Đàn chiên khốn khổ của chúa ở Trường Sơn

Hãy khẩn thiết giúp đỡ đồng bào Thượng bị bệnh tâm thần tại Việt Nam

Nguyễn Văn Huy

     Có những con người sinh sống âm thầm… trong chốn rừng sâu, nhưng việc làm của họ thật là cao cả. Linh mục Phan Văn Bình, 62 tuổi, thuộc số người đó. Từ hơn ba năm qua, ông đã ngày đêm lặn lội trong vùng rừng núi bắc Kontum, trên dãy Trường Sơn, vào tận thôn làng của những nhóm Thượng ít được nhắc tới, để an ủi và giúp đỡ những người tật nguyền, mắc bệnh khó chữa.

     Những người kém may mắn này là ai ? Đó là những người Thượng mắc bệnh tâm thần (điên, khùng), thuộc các sắc tộc Sedang Halang và Djê, sinh trú trong 124 bản làng thuộc bốn huyện Đắc Hạ, Đắc Tô, Ngọc Hồi và Đắc Glei, bắc Kontum. Hiện nay khoảng 5% dân số Thượng không nhiều thì ít mắc bệnh khùng, điên, lãng trí hoặc câm nín (autism). Số phận của những người này rất là bi đát : bị gia đình và xã hội hắt hủi. Nhiều gia đình phải giấu họ vào rừng sâu để không bị người đời trêu chọc hay làm trò cười cho thiên hạ ngoài đường phố. Tuổi thọ trung bình của những người này không cao, nóï chỉ có thể ngắn đi chứ không dài thêm, vì đời sống của một người Thượng khỏe mạnh vốn đã khó khăn, đời sống những người mắc bệnh tâm thần lại càng khó khăn và thiếu thốn hơn.

     Linh mục Phan Văn Bình vừa lập được danh sách 130 người mắc bệnh tâm thần tại bắc Kontum, trong đó sắc tộc Sedang : 112 người, sắc tộc Bahnar : 15 người, sắc tộc Kinh : 3 người. Trong thực tế số người mắc bệnh tâm thần còn nhiều hơn nữa nhưng vì ở những nơi quá xa xôi nên ông chưa thống kê được.

     Quyết tâm giúp người khốn khó của vị tu sĩ này rất cao nhưng khả năng của ông thì rất hẹp. Mặc dù là chánh sở giáo phận bắc Kontum, linh mục Phan Văn Bình không có cả giáo đường để cử hành lễ, tất cả thánh lễ đều được cử hành ngoài trời. Ông chỉ có chiếc xe 4x4 cũ kỹ, hiệu Musso của Nga, làm phương tiện di chuyển và sẵn sàng cho mượn để chuyên chở bệnh nhân từ cao nguyên xuống đồng bằng chữa trị. Công tác từ thiện của vụ tu sĩ này không thể tiếp tục dài lâu nếu không có tiếp ứng của cộng đồng người Việt hải ngoại.

     Hoàn cảnh của những người kém may mắn này chất vấn lương tâm chúng ta. Nếu chính quyền cộng sản bỏ rơi những đứa con bất hạnh của họ, chúng ta - cộng đồng người Việt hải ngoại - phải nhanh tay giành lấy. Không gì vinh dự bằng được giúp đỡ đồng bào mình bởi chính mình. Yêu nước, yêu đồng bào chính là lúc này, giúp đỡ những người bất hạnh, những người kém may mắn là thể hiện lòng yêu nước . Phải giành lại trên tay chính quyền độc đoán quyền chăm sóc đồng bào của mình. Đó vừa là một vinh dự vừa là một trách nhiệm.

     Thật ra khả năng giúp đỡ này ở trong tầm tay của mỗi chúng ta, mỗi gia đình, vì chi phí chữa trị một bệnh nhân tâm thần trong một năm là 150 USD. Trong đó chi phí chữa trị tích cực tại bệnh viện tâm thần Qui Nhơn trong hai tháng đầu là 70 USD (nhập viện và chữa trị: 20 USD, người nuôi dưỡng : 20 USD, xăng nhớt và tài xế: 30 USD) ; chi phí điều trị tại gia trong 12 tháng là 80 USD. Linh mục Phan Văn Bình có tham vọng được cộng đồng người Việt hải ngoại giúp ông chữa trị ít nhất cho 100 người mắc bệnh tâm thần, tức 15.000 USD, trong năm nay. Bài viết này chuyển đến từng người và từng gia đình người Việt hải ngoại phong trào cứu giúp người mắc bệnh tâm thần và ước muốn được hưởng ứng.

     Quí ân nhân và mạnh thường quân có thể liên lạc thư từ hay gởi tiền trực tiếp cho linh mục Simon Phan Văn Bình về địa chỉ : Nhà Thờ Chính Tòa Kontum, 13 Nguyễn Huệ, thành phố Kontum, Việt Nam. Đề nghị nên gởi tiền bằng bưu phiếu hay nhờ người mang thẳng tới.

     Cũng nên biết những người mắc bệnh phong cùi đã và đang được nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước giúp đỡ, tương lai và đời sống của họ đã bớt phần âu lo; ngược lại tương lai và đời sống của những người mắc bệnh tâm thần chưa hề được đề cập tới. Đây là bài viết đầu tiên tại hải ngoại đề cập tới số phận những người Thượng mắc bệnh tâm thần với hy vọng được nhiệt liệt hưởng ứng.

Nguyễn Văn Huy

 

Asia-Religion.net