NHƯ CHIM NHỚ RỪNG, NHƯ CÂY NHỚ CỘI

Nguyên Nhung

 

 

Chị Đào gốc người Trà Vinh, một tỉnh nhỏ êm đềm và cổ kính, ảnh hưởng nền văn hóa Khờ Me nên có rất nhiều ngôi chùa Miên mái cong vút, và những vị sư áo vàng trẻ tuổi. Nhà chị có vườn tược, ở bên kia cầu Long Bình, đường đi ra Đầu Bờ có những thửa ruộng mênh mông, bát ngát xải những cánh cò bay.

 

Chị là vợ một người lính, theo anh rời Trà Vinh về quê chồng ở Vũng Liêm, nơi có món nem chua nổi tiếng. Sau khi chồng tử trận, chị tìm được một việc làm cho cơ quan dân sự Mỹ . Tuy chỉ là chân lau chùi, dọn dẹp văn phòng nhưng đến cuối tháng Tư năm 75, chị cũng hối hả chạy theo đám nhân viên sở Mỹ vào được sân bay Tân Sơn Nhứt, nhét lên chiếc C 130 như cá hộp, đi một lèo qua đảo Guam. Lúc chiếc phi cơ như con cá mập bay vút lên trời , để lại quê hương một vùng lửa đạn, chị Đào ngó quanh không thấy ai cười, chỉ là những đôi mắt hoe đỏ và những tiếng khóc rấm rứt vì không biết chừng nào mới quay về quê cha đất tổ.

 

Sau nhiều thủ tục giấy tờ, mẹ con chị gồm bà mẹ ba mươi mấy tuổi với ba đứa con dại, được rời đảo vào đất liền, sống thêm một thời gian nữa trong một trại tỵ nạn ở vùng California, dưới những lều bạt mà mỗi đêm nghe tiếng gió thổi phần phật bên ngoài, chị Đào lại bật lên khóc rưng rức. Mấy đứa con còn bé dại, đứa con gái lớn năm ấy mới chín tuổi, còn hai đứa bé, một gái một trai, đứa lên bảy và đứa lên sáu. Chúng nó còn nhỏ dại, ăn chưa no lo chưa tới, nên không làm sao nghĩ nổi được nỗi buồn của mẹ chúng. Ngày ngày mẹ con xếp hàng rồng rắn đi lấy thức ăn, ngó quê người lại nhớ tới quê mình xa lăng lắc ở bên kia, cha mẹ anh em ở đó không biết ra sao sau cuộc đổi đời, chị Đào không làm sao nuốt nổi chén cơm nấu nhão như cháo, ăn với thịt hộp của Mỹ.

 

Chồng chị đi lính đã chết trận bốn năm rồi, từ lúc thằng con út mới hai tuổi. Số tiền tử tuất của chồng để lại quá ít ỏi, chỉ xoay quanh cái đám ma đã thấy hết phân nửa. Bởi vậy chị đành gửi con cho mẹ chồng lo, rồi tìm việc làm nuôi lũ con thơ. Hồi chồng chị còn sống, chị Đào cũng mấy khi được gần gũi anh , vì đơn vị hành quân liên miên, toàn những nơi đèo heo hút gió. Thỉnh thoảng anh về phép, vợ chồng đầm ấm, vui vẻ được mấy ngày, anh lại ra đi để chị cứ thắc thỏm trông chờ lần về phép tới.

 

Kỳ phép cuối cùng anh về thăm vợ con, ai biết được rằng lại là lần cuối cùng vợ chồng, cha con được gần gũi nhau. Người ta nói rằng kẻ sắp chết thường hay có nhiều điềm gở. Mãi tới khi anh ấy chết đi chị Đào mới nhớ rõ nét mặt buồn đăm đắm của anh khi ôm đứa con út vào lòng, hai con mắt anh lờ đờ như say thuốc, nhìn vào một nơi nào đó mà sau này chị cho là anh đã linh cảm thấy bóng dáng tử thần. Nếu đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, thì đôi mắt anh ngày hôm ấy đúng là biểu hiện cho sự buồn thảm và ly biệt. Mấy ngày phép anh đưa vợ con đi chơi đây đó, thăm họ hàng, bè bạn, dẫn con đi ăn uống thỏa thuê, làm như anh chỉ còn có chút thời gian ngắn ngủi đó thôi để bước hẳn qua thế giới bên kia. Bởi vậy khi mẹ con đã an ổn trên xứ người, lòng chị vẫn lấn quấn mãi ngôi mộ của chồng còn nằm trong nghĩa trang Quân Đội.

 

Mẹ con chị Đào ở trong trại tỵ nạn ít lâu thì được một người Mỹ già tốt bụng, trong Hội từ thiện của nhà thờ, đón về một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang New Hampshire, vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Ở đây, lần đầu tiên mẹ con chị được thấy những rừng thông bạt ngàn , núi non trùng trùng điệp điệp, chiếc quạt gió trên nóc những mái nhà kho chứa cỏ khô cho gia súc, vào mùa Đông tuyết phủ trắng những con đường quanh co dọc theo thung lũng đầy gió hú. Thị trấn nhỏ, đồi núi mênh mông, nhà cửa thưa thớt, nối tiếp nhau chỉ là những cánh rừng và đồi cỏ chập chùng, nóc chuông nhà thờ với cây thánh giá cao lêu nghêu trên vòm trời đầy mây trắng. Chị Đào suốt ngày ủ ê ngó cảnh mùa Đông quê người, tìm mỏi mắt không thấy một bóng người đi qua đi lại. Mấy đứa nhỏ chưa hiểu bao nhiêu, riêng chị khóc hoài khóc hủy, đôi mắt lúc nào cũng mòng mọng những giọt nước mắt chỉ chực rơi xuống khi có ai hỏi han tới.

 

Sao lúc ấy chị nhớ nhà quá đỗi. Ăn những miếng bánh mì khô khan với thịt nguội, chị bắt nhớ tộ cá kho tiêu ở quê nhà, nhớ mùi khô nướng, nhớ tộ canh chua, nhớ mắm kho cà tím với đầy một rổ rau tươi , những món tầm thường ấy sao bây giờ nó quý hơn cao lương mỹ vị. Quê hương giờ đây đối với chị đã ngàn trùng xa cách, chị nghĩ mãi vẫn không hình dung ra được con đường nào để trở về, bởi vì ngồi trên máy bay chị chỉ nhìn thấy toàn mây trắng và mây trắng. . . .

 

Mấy đứa nhỏ được tới trường để đi học, buổi sáng đã có xe "school-bus" đến đón tận nhà. Chỉ ít lâu sau cả ba đứa bắt đầu xí xô xí xào nói tiếng Anh với nhau, chúng nó gọi chị bằng " Mom" thay cho tiếng " Má ơi!" quen thuộc . Thời gian qua mau, con chị gần như không xử dụng tiếng Việt nữa, cả cái thị trấn đìu hiu này chắc chỉ có mình gia đình chị là người Việt. Rồi từ đấy chị ít có thì giờ gần gũi con, mỗi lần nói với con những câu nói thân quen ở quê nhà, chúng thường giương mắt ra nhìn mẹ. Không có người đồng hương ở đây, tiếng Việt bỗng nhiên hiếm hoi từ đấy, chị Đào thường ao ước có lúc nào gặp được một người Việt Nam, nói cho thỏa hết những tâm sự đầy ắp trong lòng chị. Gặp một người có khuôn mặt Á Đông, chị mừng hết lớn, nhưng khi bập bẹ được vài câu tiếng Anh để hỏi nhau, người kia lắc đầu quầy quậy, chị lại thất vọng đến não nề khi không có ai nói lại cho chị nghe thứ tiếng nói quê mùa , giản dị của quê hương.

 

Chị Đào phải tập làm quen với đời sống của nước Mỹ. Chị tới cơ quan từ thiện, vừa học nghề vừa học chữ, buổi chiều chị đến phụ dọn dẹp cho một cửa hàng tạp hóa nằm ven con đường xe cộ xuyên bang đi lại tối ngày, chị chỉ mong gặp một người Việt, để hỏi thăm về quê hương xứ sở. Có lần chị gặp một người đàn ông Việt Nam lái xe đi qua chốn khỉ ho cò gáy này, dừng lại mua mấy thứ lặt vặt, chị mừng quá gần như muốn khóc, nhưng người đàn ông không ân cần lắm với chị. Hình như ông ta không tha thiết lắm với một người phụ nữ Việt Nam, mà nét quê mùa hình như vẫn còn đọng lại trong dáng vẻ cũng như tiếng nói. Nào ai biết được cái mơ ước giản dị trong lòng chị, chỉ là được gặp gỡ hàn huyên với một người cùng xứ sở, được nói lại ngôn ngữ mẹ đẻ dù chỉ bằng một câu rất giản dị như " Trời đất quỷ thần thiên địa ơi!"

                

*    *    *

 

Sau mười năm ở bên Mỹ, chị Đào đã tương đối hòa nhập được với phong tục và cách sống của người Hoa Kỳ. Chị đã biết lái xe để đưa con đi học, đi nhà thờ và thỉnh thoảng đi thăm mấy vùng lân cận. Mùa Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh, chị và các con đến nhà những người Mỹ trong vùng để dự lễ Tạ Ơn và ăn gà Tây với họ. Ăn gì thì ăn, uống gì thì uống, chị Đào vẫn thấy không có món "soup" nào ngon bằng món hủ tíu Trà Vinh, bánh nào ngon bằng thứ bánh tét thơm lá dứa của miền quê chị. Mỗi lần bước qua đầu Xuân, nhớ không khí Tết ở quê nhà, trong chị lại dằn vặt một nỗi nhớ mung lung. Khi chỉ còn một mình ngồi trong nhà, ngó ra rặng thông xanh ngắt chập chùng lượn theo những đồi núi nối tiếp nhau, chị vẫn thường hay thổn thức khóc một mình.

 

Mẹ con chị quanh quẩn trong khu thị trấn nhỏ bé, chỉ loanh quanh mấy tiệm tạp hóa, cây xăng, khu chợ nhỏ và đi tới nhà thờ mỗi ngày chủ nhật là hết đất. Qua sinh hoạt ở nhà thờ, chị được giới thiệu với một người Mỹ góa vợ đã trọng tuổi. Đời sống ông này cũng ảm đạm như mùa Đông miền Bắc, loanh quanh luẩn quẩn với cuốn Kinh Thánh và mấy Hội Từ Thiện. Sáng chủ nhật cả nhà ăn mặc đẹp đẽ đi nhà thờ, sau đó kéo nhau tới một tiệm ăn của người Trung Hoa ở một thành phố kế bên, nhưng những món ăn của họ vẫn không mang lại cho chị mùi vị của những món ăn của quê hương. Có lần, mẹ con chị được ông chồng Mỹ đưa qua Canada thăm xứ sở của rừng phong vào một mùa thu. Phong cảnh thật đẹp với những rừng phong đầy lá vàng lá đỏ, thành phố cổ kính có ngôi nhà thờ bằng đá xám, còn vùng thôn quê của họ thì bằng phẳng như miền đồng bằng Cửu Long quê chị, nhưng chỉ nhiều hồ mà không thấy được giòng sông uốn khúc quanh những vườn cây ăn trái.

 

Mãi tới hôm ông chồng Mỹ đưa mẹ con chị xuống khu China-Town ở Boston, chị mới có dịp tìm lại được những thực phẩm Việt Nam mà lâu rồi chị không thấy. Chuyến về chị mua đủ thứ, gần hết số tiền lương trong tháng của chị. Nước mắm, nước tương, bún tàu, tôm khô, bánh tráng, hủ tíu . . . Còn một món chị không quên, đó là mấy bao gạo thơm Thái Lan, hàng thùng bún khô, măng khô để chị ăn dần trong nhiều tháng. Lão chồng Mỹ thấy chị ướp mấy khúc cá tươi với chút nước mắm nước màu, rồi kho riu riu trên bếp ngoài garage, ngó chị hít hà với vẻ mặt sung sướng, ông ta đã phải lái xe bỏ đi chơi loanh quanh một lát vì không chịu nổi cái mùi quái dị ấy. Chị nấu một nồi cơm gạo tám, ăn với rau luộc và cá kho khô suốt một tuần lễ mà chưa đã thèm. Chỉ hiềm một nỗi cả nhà không có ai ăn với chị những bữa cơm đầy hương vị quê hương ấy, chị vẫn thấy đời như thiếu vắng điều gì. Hóa ra chị thèm tiếng cười tiếng nói mang không khí quê mình, trong căn nhà trống trải lao xao tiếng lá mận reo trước khoảng sân nắng. Sự thiếu vắng ấy khiến chị vẫn hay bần thần ngó trời hiu quạnh ngoài khu thung lũng mỗi khi chiều xuống, rồi lầm bầm nói một mình những câu tiếng Việt mà lâu rồi không ai nói với chị.

 

Mùa Đông năm đó trời rét và tuyết đóng dầy hơn mọi năm, cả thị trấn nhỏ bé này như đóng băng giữa vùng tuyết trắng. Chị Đào một hôm đi làm về, bánh xe bị trơn trợt tông vào một gốc cây ven đường. Tuy may mắn không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng ảnh hưởng cột sống và gãy xương chân nên từ đấy chị đi đứng không còn ngay ngắn như xưa. Chị được chính phủ cấp dưỡng tiền tàn tật, cuộc sống vì thế càng hiu quạnh hơn, bên cạnh ông chồng già suốt ngày dạy chị học Kinh thánh, thú vui của những ngày còn lại. Chị cố dạy cho ông chồng Mỹ vài câu tiếng Việt ngăn ngắn, nhưng khi ông nói, giọng lơ lớ khiến chị bật cười, vả lại xung quanh toàn người Mỹ, ông đâu có hứng để mà học tiếng Việt của vợ.

 

Mấy đứa con lớn dần lên, đứa lớn còn lõm bõm hiểu những câu tiếng Việt mẹ nói, nhưng hầu như nó không thể trao đổi được với mẹ lối tâm tình của người đàn bà Việt Nam quê mùa. Chị cứ cô đơn với thế giới của mình, dù bên cạnh đã có lão Mỹ già hủ hỉ, và đàn con ba đứa nay đã lớn khôn.

 

Đứa con gái năm ấy đã học xong Trung học, nó thường hay theo bạn bè đi chơi những thành phố khác, tình cờ gặp được thằng bạn trai người Á châu, bèn dẫn về giới thiệu với gia đình. Mới ngó thấy thằng nhỏ chị mừng hết lớn, vì khuôn mặt Á Đông khiến chị nghĩ ngay nó là người Việt. Chừng hỏi tới thì mới biết thằng này là con của một chủ nhà hàng gốc Tàu Hồng Kông, ngang hông Chợ Lớn, nó cũng chỉ bập bẹ vài câu tiếng Việt rồi lại xổ tiếng Anh như gió. Dù gì thằng Tàu này cũng có nét giống Việt Nam, chị không kỳ thị nhưng nếu hai đứa thương nhau thiệt tình, chị cũng mừng. Hai đứa quen nhau được hai năm, lúc tính chuyện hôn nhân, chị mừng húm. Đám cưới xong, hai đứa túi bụi trông coi cái nhà hàng Tàu của ông bố, kịp đến khi con bé có thai, chị nghĩ ngay tới chuyện ở nhà trông nom, săn sóc đứa nhỏ theo kế hoạch của chị.

 

Sự tính toán của chị thật là tội nghiệp. Nó chỉ đơn giản là được gần gũi một đứa trẻ con, sẽ dạy cháu nói lại thứ ngôn ngữ của quê nhà mà bao lâu nay chị thèm thuồng được nghe, được đối đáp, thứ ngôn ngữ ấy như tiếng chim sơn ca hót réo rắt trong lòng chị. Mai đây khi đứa cháu chào đời, chị sẽ chăm sóc cháu mình bằng tâm tình một bà ngoại Việt Nam, sẽ cho cháu ăn, sẽ dạy cháu nói. Chỉ nghĩ tới lúc đứa cháu biết thỏ thẻ những tiếng gọi Bà, gọi Mẹ đầu tiên, chị đã rưng rưng nước mắt.

 

Nào ai hiểu nổi nỗi vui trong lòng người đàn bà Việt Nam quê mùa đó. Con cái chị ngày một xa dần với bản sắc dân tộc, chúng nó giờ đây là người Việt hoàn toàn mang tâm hồn Mỹ, chỉ có chị nghĩ con mình là người Việt, còn chính con chị cũng nghĩ nó là người Mỹ. Bởi thế chị Đào quyết tâm tìm cơ hội được săn sóc đứa cháu ngoại, tạo cho mình một niềm vui ấm áp khi mai này nó lớn lên, mỗi tiếng khóc tiếng cười của cháu, tiếng nói đầu tiên sẽ chỉ là tiếng Việt.

 

Đúng như những điều chị mong mỏi. Vì bận rộn chuyện làm ăn, đứa cháu ngoại vừa ra đời đã được cha mẹ nó gửi gấm cho bà ngoại trông nom, săn sóc. Đó là một con bé đầy nét Á Đông, đôi mắt đen như hai hột nhãn và cái miệng nhỏ xinh xinh. Chị thương cháu lắm, thương từ tiếng khóc tiếng cười của cháu. Từ đó mỗi lần cháu khóc, chị Đào lại có dịp ru cháu bằng những bài ru con dân ca Nam Bộ, trong lòng chị lại hiện ra dòng sông ở quê nhà năm xưa, nhịp cầu tre lắc lẻo đưa chị trở về những con đường quen có hàng dừa lơi lả, mảnh sân đất đầy bóng nắng dưới cây mận đỏ. Mùa thu tới, chị ru cháu bài "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ cả năm", nước mắt chị cứ tuôn lả chả khi nghĩ tới những ngày còn trẻ, một mình ở nhà với mấy đứa con thơ khi anh chồng là lính chiến có mấy khi được ở nhà với vợ con. Suốt một thời thanh xuân chị chỉ những ngóng chờ và mong đợi, thỉnh thoảng chồng chị có mấy ngày phép được về thành phố thăm vợ con, đó là những ngày hạnh phúc ngắn ngủi của vợ chồng chị. Sau đó, chị còn lại một mình với gánh nặng chăm sóc mấy đứa con thơ, cộng thêm nỗi lo lắng cho người chồng ngoài mặt trận.

 

Ngắn ngủi chỉ có sáu, bảy năm làm vợ lính mà những giây phút hạnh phúc thật hiếm hoi, nhưng so sánh với ông Mỹ già trong hiện tại, chị thấy hai thứ hạnh phúc nó khác nhau một trời một vực. Phải chăng đó là sự khác biệt giữa văn hóa Đông Tây muôn đời vẫn không thể là hai dòng sông, hòa vào nhau để cùng chảy ra biển. Mấy vụ đó chị Đào bù trất, chỉ nghe mấy ông mấy bà nhiều chữ nghĩa nói với nhau như vậy, để bảo tồn cái gì đó mà họ gọi là Văn Hóa Dân Tộc. Riêng chị Đào, người đàn bà quê mùa Việt Nam lạc loài nơi xứ lạ quê người, chỉ cảm thấy tâm hồn lúc nào cũng hụt hẫng và nhớ nhung những tình cảm thân thiết của một thời xa lắc.

 

Đứa cháu ngoại ra đời đã đem lại niềm ấm áp cho trái tim bà ngoại nó, đó là những ngày cháu bập bẹ những tiếng nói đầu đời thật dễ thương. Trái tim chị Đào như muốn nhảy tưng ra khỏi lồng ngực khi con bé thốt ra những tiếng "bà" tiếng "mẹ" lúc nó khóc, hay khi mẹ nó đi làm về, con bé đã bất ngờ reo lên những tiếng "mẹ, mẹ" thật dễ thương. Điều đó khiến con gái chị tuy đã lâu không nói tiếng Việt, cũng sung sướng nghe lại những tiếng nói của quê hương từ chính miệng đứa con bé bỏng của nó, hoàn toàn không ngờ được.

 

Khi con bé được ba tuổi, hai bà cháu đã có thể trao đổi những câu tiếng Việt ngăn ngắn, cháu chị đã hiểu được chút chút những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Việt, và nó đã thỏ thẻ kể lại cho mẹ nó nghe bằng cái giọng đả đớt rất ngây thơ của một đứa bé ba, bốn tuổi. Từ đây, đứa con gái Việt Nam vừa làm mẹ bỗng hiểu ra nỗi cô đơn trong lòng mẹ nó, nỗi thèm thuồng được nói lại thứ ngôn ngữ thân thương của quê nhà, cũng là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà mẹ nó cần thiết còn hơn cơm ăn, áo mặc.

 

Trong căn nhà cũ kỹ ở một thị trấn nhỏ vùng Đông bắc Hoa Kỳ, mùa hè ngắn hơn mùa Đông vì khí hậu lúc nào cũng lạnh lẽo, giờ đây đã vang lên thứ tiếng nói réo rắt đầy âm thanh trầm bổng miền quê nghèo Nam Bộ, của một người đàn bà Việt Nam quê mùa với đứa cháu ngoại bé bỏng của mình ra đời tại nước Mỹ. Chị Đào đâu phải một người được ăn học để hiểu được sự bảo tồn văn hóa quê nhà, thế mà chỉ bằng tấm lòng tha thiết của một người Việt Nam với ngôn ngữ quê hương, chị đã làm được một việc phi thường, hơn bất cứ một nhà ngôn ngữ Việt Nam nào nổi tiếng trên đất Mỹ.

                  

*    *     *

 

Sau khi ông Mỹ già qua đời vì bịnh ung thư, chị Đào cũng làm ma chay và chôn cất ông thật chu đáo theo tâm tình của người vợ Việt Nam. Dù chỉ gắn bó với nhau do hoàn cảnh đưa đẩy, chị Đào vẫn quan niệm rằng "một ngày là tình, hai ngày là nghĩa" như chị đã được cha mẹ ông bà dạy dỗ hồi còn trẻ. Điều đó khiến những người Mỹ trong vùng cảm động, họ không dám coi thường người đàn bà Việt Nam nhỏ bé và quê mùa này, bởi lối hành xử của chị đã nói lên tư cách một con người có tấm lòng chân thật, ăn ở có trước có sau. Nếu đem chị Đào so sánh với những người đàn bà Việt Nam tài giỏi, học cao hiểu rộng khác, chưa chắc những tấm bằng của họ đã có giá trị bằng tâm hồn người phụ nữ Việt Nam bình dị này. Chị Đào không hiểu nhiều về những thứ lắt léo của cuộc đời và sách vở, nhưng suốt đời chị chỉ đơn sơ sống theo cái đạo làm người, nhờ thế mà qua những sóng gió cuộc đời, chị lúc nào cũng "thân tâm an lạc".

 

Hai đứa con nhỏ lớn lên, học giỏi, đươc học bổng của trường Đại Học tại Boston, chúng nó đã rời mẹ từ lâu. Vợ chồng đứa con gái lớn cũng chán nơi khỉ ho cò gáy này, bàn với chị bán nhà đưa nhau về tiểu bang Massachusetts, nơi có nhiều người Tàu của nước nó và người Việt của nước chị. Thế là cả nhà dời New Hampshire, thị trấn nhỏ với những đồi núi cỏ mượt và thông reo, về mùa Đông tuyết phủ trắng xóa trên các đồi thông và những mái nhà mốc thếch màu xám nhạt. Hôm gia đình chị Đào dời đi, những gia đình người Mỹ quen biết ở nhà thờ đều tới ăn bữa cơm Việt Nam thật ngon, và vài món ăn Tàu do thằng rể chị nấu nướng. Họ từ biệt nhau với những giọt nước mắt, ở đâu cũng vậy mà thôi, hễ đem tình cảm chân thành mà đối đãi với nhau thì cũng sẽ được đền đáp lại như vậy. Chị Đào vẫn theo lối Việt Nam, gửi gấm ngôi mộ ông chồng Mỹ già cho bạn bè của ông chăm sóc, khiến họ lại càng cảm động. Đời chị tuy không may mắn về đường hôn nhân, nhưng chị Đào quả là một con người rất đáng khâm phục, vì mộ của ba mấy nhỏ chôn trong nghĩa trang Quân Đội ở quê nhà, chị cũng đã gửi tiền về để người nhà lo bốc mộ đem về quê, xây mồ mả tử tế đẹp đẽ.

      

Bây giờ đứa cháu ngoại đầu đã lớn bộn, nó đang học trường Middle-School, mẹ nó đẻ thêm hai đứa em nữa. Chị Đào nay đã lớn tuổi, vẫn ở nhà trông cháu, vẫn tiếp tục kế hoạch của một bà ngoại Việt Nam, dạy cho mấy đứa nhỏ ăn cơm Việt, nói tiếng Việt. Mỗi buổi chiều con lớn đi học về, nó vẫn không quên chào bà ngoại bằng những câu tiếng Việt quen thuộc, vẫn đòi ăn hủ tíu do bà ngoại nấu, vẫn ăn mì xào Quảng Đông với nước tương theo lối của ba nó. Mấy chị em chơi với nhau, nói với nhau bằng tiếng Việt, thậm chí khi cãi nhau ồn ào vẫn bị bà ngoại nó rầy rà bằng tiếng Việt, y như mấy đứa nhỏ ở Việt Nam. Thằng rể quan niệm thực tế theo lối của người Trung Hoa, thích thương mại, đối với nó lũ nhỏ biết được nhiều thứ tiếng càng tốt. Tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng gì cũng là tiếng, tiếng nào cũng chỉ làm cho con người gần gũi nhau mà thôi, và nhất là để cơ sở làm ăn của nó ngày càng phát đạt.

 

Nguyên Nhung

Asia-Religion.net