HẠT  CÁT

Truyện Nguyên Nhung

Ngôi chùa nằm trong một hẻm sâu, bao xung quanh là một khu đất vuông vức trồng nhiều cây ăn trái và hoa để cúng Phật. Trước tiên, người ta nhìn thấy một hàng rào trồng toàn hoa mẫu đơn đủ loại, quanh năm ra hoa rất đẹp, khác biệt hẳn với những căn nhà ngói cổ của cư dân sống gần nơi đó. Vào mùa Xuân, con đường này bỗng dưng óng ả lên vì những cây mai trồng trước sân nhà đã nở rộ, người ta thích đi đến đây vào ngày Tết, trước vãn cảnh chùa sau để tìm cho mình một sự yên tĩnh. Chỉ cách một đoạn đường ngắn với con lộ chính đầy những xe cộ và bụi đường, ngôi chùa và xã hội ngoài kia gần như là hai thế giới khác biệt hẳn nhau.

Tôi vẫn thường đến chùa ngày mùng một Tết, dù chưa hề là một Phật tử, chưa bao giờ đọc một câu kinh Phật, và tôi đi chỉ vì thói quen của những người nhàn rỗi, đầu năm đi tìm một nơi nào đó để du xuân. Sau khi tới chúc Tết gia đình một người bạn ở gần đấy, thấy tôi trầm trồ những cây mai vàng trước ngõ, chị liền rủ tôi đến vãn cảnh chùa, vì sân chùa có nhiều loại mai quý, vào mùa Xuân hoa nở rộ lên như một tấm lụa vàng trải dưới nắng mai.

Sau khi theo chị bạn vào lễ Phật trong chánh điện, chúng tôi rủ nhau ra xem những hoa kiểng trồng rải rác trong mảnh sân sau, có một vài phụ nữ mặc áo màu lam đang loay hoay rửa rau bên bờ giếng. Đó là những người quanh năm tới chùa làm công quả, họ đang sửa soạn cho bữa cơm cúng Ngọ ngày mùng một Tết. Khi tới con đường gần bên bờ giếng, tôi chợt đứng lại để nhìn theo một người phụ nữ mặc chiếc áo màu lam, mái tóc được cuốn lại bằng một chiếc kẹp tóc, để lộ ra chiếc cổ xinh xẻo, vì cô đang cúi xuống để ra sức kéo chiếc thùng đầy nước từ giếng lên, đổ vào một chiếc chậu lớn để rửa rau. Hình như cô chưa quen với công việc nặng nhọc này, dáng dấp của người phụ nữ chứng tỏ cô không quen làm những công việc tay chân nặng nhọc. Chị bạn thì thầm vào tai tôi:

"Mình sẽ giới thiệu với chị một nhân vật đặc biệt của ngôi chùa này, cái người đang kéo nước bên bờ giếng đó. Chị Trinh trước từng là giáo sư dạy Việt văn trường Phổ thông cấp Ba thành phố . . . "

Tôi yên lặng đứng ngắm nhìn tấm lưng thon thả trong chiếc áo màu lam rộng, cô ta vẫn không dấu được nét thanh tú của một thời xuân sắc. Vẫn chăm chỉ làm công việc của mình, mãi tới khi bạn tôi lên tiếng gọi, cô mới ngừng tay và quay lại chào hỏi. Đôi môi xinh xắn ấy vừa thốt lên câu " Mô Phật!" là tôi đã ngỡ ngàng như được đẩy ngược trở về một khoảng thời gian nào đó, vì người phụ nữ mặc áo màu lam, chính là cô bạn học cùng lớp với tôi ngày xưa.

Chúng tôi nhận ra nhau rất nhanh, dù thời gian qua đi có đến gần mười lăm năm, thuở chúng tôi mới mười sáu mười bảy tuổi. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, khuôn mặt ấy vẫn sáng ngời như hình ảnh bạn tôi những năm còn đi học. Tôi làm sao quên được hình ảnh Trinh những ngày còn học chung với nhau một lớp, bởi vì ngoài khuôn mặt sáng sủa và nụ cười tươi, Trinh còn là một cô học trò con nhà giàu, học giỏi. Buổi Tất niên năm ấy, bạn tôi là trưởng ban Văn nghệ, tính tình vui vẻ, có năng khiếu âm nhạc nên cũng nhờ Trinh mà cả lớp được một buổi liên hoan đặc biệt hơn những năm khác. Gia đình Trinh rất khá giả, được hấp thụ nền văn minh phương Tây cho nên tính cô bạn tôi vì thế mà rất hồn nhiên, có lẽ điều kiện sống của Trinh khá sung túc, cho nên Trinh đâu có những nỗi lo lắng hay suy nghĩ như những đứa học trò con nhà nghèo. Đám con trai chỉ nơm nớp sợ thi hỏng phải đi lính ra chiến trường, con gái thì mong học hành đỗ đạt rồi tìm việc làm giúp đỡ gia đình.

Chính vì thế mà lúc gặp lại Trinh trong lớp áo màu lam nhạt bên bờ giếng, nhẫn nại kéo từng thùng nước đầy để rửa rau, tôi vẫn cứ thắc mắc hoài về cô bạn cũ. Trinh vui vẻ giao công việc lại cho một người khác, rồi dẫn tôi và chị bạn đi thăm vườn rau của chùa ở phía sau, bây giờ đang mùa cải xanh và rau tần ô, có những con bướm lượn lờ trên luống hoa thơm. Hai đứa tôi nhìn nhau cười, nhắc lại những khuôn mặt bạn bè năm xưa, hoàn cảnh sống của mỗi người trong hiện tại, có thể Trinh đang cố nhớ lại những kỷ niệm mùa Xuân thuở còn đi học, còn tôi thì vẫn băn khoăn về sự thay đổi của bạn, từ hình ảnh một cô thiếu nữ đợt sóng mới năm xưa, tới hình ảnh người tu nữ bây giờ.

Chị bạn tôi bận việc phải về trước, buổi đầu xuân năm ấy chỉ còn tôi với Trinh ngồi bên nhau nơi chiếc tràng kỷ đặt bên hiên chùa ở sân trước. Mắt vẫn nhìn ra khoảng sân ngập đầy nắng sớm trên những cành mai vàng óng ả, Trinh kể cho tôi nghe những truyện xảy ra cho bạn tôi từ khi cô từ giã mái trường, bước chân vào cuộc đời đầy thăng trầm, đau khổ.

* * *

"Tôi rời Cần Thơ vào những năm cuối của thời kỳ Trung học, vì gia đình có cơ sở làm ăn ở Sài Gòn. Tuy vậy, tôi vẫn không quên được không khí vui nhộn, thân thương của mái trường tỉnh lỵ, vì sau nhiều năm học, tôi có rất nhiều bạn bè, và có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn nơi mái trường ấy. Tôi vẫn còn giữ cuốn Lưu Bút Ngày Xanh của các bạn cùng lớp. với nhiều tấm hình chụp chung ở sân trường.Tôi nhớ từng con đường hằng ngày mình đi học, hàng phượng đỏ nơi công viên mỗi chiều hè, bến sông, con đò nhỏ đưa đón người từ bờ bên này sang bên kia sông mỗi buổi chợ.

Sau khi học hết bậc Trung học, tôi theo học Sư phạm bốn năm ở trường Đại Học Sài Gòn, khi ra trường tôi trở thành một giáo sư đệ nhị cấp. Thời gian ấy chỉ vỏn vẹn được ba năm, sau đó người ta gọi là giáo viên cấp Ba. Tôi may mắn được dạy trong một trường Trung học ở thành phố, cho nên đời sống cũng khá dễ chịu. Tôi lập gia đình năm 25 tuổi, với một người lính ở một đơn vị xa thành phố. Anh ấy là người bạn cùng thời sinh viên với tôi, sau đó bị động viên đi sĩ quan Thủ Đức, và đến ngày tan hàng thì anh ấy cũng phải đi tù như bao nhiêu người lính khác.

Mối tình của tụi này có lẽ là mối tình đầu tiên trong đời tôi. Chắc bạn ngạc nhiên lắm phải không? Nhưng sự thật là vậy, bởi vì tụi này quen nhau ngay từ lúc cả hai còn thích đi hát với nhau trong nhóm sinh viên của Trường Đại học, mối tình nghệ sĩ cứ nảy nở thêm khi hai đứa cùng có những sở thích giống nhau. Bạn nhớ không? Hồi còn Trung học, tôi đã từng tổ chức những buổi dạ vũ nhảy nhót với bạn bè, tụi mình vẫn ca những bản nhạc Pháp thịnh hành hồi ấy, và BB là cô đào Pháp mà tụi mình rất ái mộ .Thời ấy tụi mình trẻ trung và yêu đời biết bao, đời chả bao giờ biết buồn cả. Thế mà, không ai đoán trước được những gì sẽ xảy tới ở tương lai phải không bạn?

Bạn hỏi về ba má tôi ư? Hồi ấy, hãng buôn của ba tôi là một trong những hãng nổi tiếng ở Sài Gòn, thế nhưng sau này chính ba má tôi lại khổ vì những của cải do ông bà tạo nên. Mất hết rồi, đâu có ai giàu mà còn đứng được trong thời buổi đó, ba má tôi về quê hồi hương theo người con trai lớn, được ít lâu má tôi bịnh hoài nên đi trước, ba tôi cũng buồn rồi theo sau, anh chị tôi tạm thời buôn bán nhỏ sống qua ngày, cho tới khi chồng tôi đi tù về, họ rủ nhau tính chuyện vượt biển. Chuyến tàu ấy chỉ cho những người đàn ông đi trước, mà lúc đó cũng đâu có tiền để đi hết một gia đình, cho nên, đó là lý do tại sao anh tôi và chồng tôi cùng chết một lượt ngoài biển khơi.

Sau này thì tôi cho là cái nghiệp của mỗi người phải chịu, nhưng hồi ấy chưa bao giờ tôi lại cảm thấy mình bị mất mát khổ đau như vậy. Mất một người anh ruột thịt, mất luôn cả người bạn đầu gối tay ấp, tôi thấy mình bơ vơ giữa giòng đời đầy nghiệt ngã, và không làm sao quên được những ngày hạnh phúc cũng như khổ đau trong tình anh em, chồng vợ. May là tụi này chưa có con, vì vừa lấy nhau xong được ít lâu thì anh ấy đi tù, và khi anh ấy về tụi này không dám nghĩ tới chuyện có một đứa con vào lúc ấy. Bởi vì anh ấy chỉ nghĩ đến chuyện ra đi, tìm một tương lai tốt đẹp rồi mới nghĩ tới chuyện có những đứa con. Tôi không biết bây giờ bạn có mấy đứa con rồi, nhưng tôi làm nhà giáo, hằng ngày tiếp xúc với học trò và phụ huynh học sinh, tôi hiểu nỗi khổ của nhiều bậc cha mẹ, hình như họ cứ càng ngày càng tuyệt vọng đi vì không lo nổi cho con đầy đủ cơm ăn áo mặc.

Khi được báo tin chuyến tàu của anh tôi và chồng tôi đi bị mất tích trên biển Đông, vì trông chờ mãi mà không có tin về. Người ta cho biết cơn bão tháng mười hai năm ấy đến bất ngờ quá, hầu như tất cả những chuyến ra khơi vào mùa bão ấy đều không có chiếc nào tới được bến bờ bên kia, chiếc nào may thì quay ngược trở về, nhưng cũng lâm vào cảnh tù tội. Giá anh ấy đừng chết, có phải tù tội thì tôi cũng còn hy vọng găp lại anh ấy, nhưng phần số con người có lẽ trời chỉ cho có bấy nhiêu, thành ra lần ra đi ấy ai ngờ lại là lần biền biệt cõi thiên thu.

Có lẽ bạn cũng hiểu cái đau khổ của tôi, vì ít nhiều gì chúng ta cũng có những nỗi khổ gần gần giống nhau. Tôi không còn tâm trí đâu để tiếp tục dạy học, vì ngồi đâu tôi cũng nhìn thấy anh ấy, nhất là những kỷ niệm quá mới mẻ của một đôi vợ chồng trẻ, những buổi tối nằm bên nhau, anh ấy vẫn thủ thỉ bàn với tôi nhiều chuyện ở tương lai. Anh ấy cho rằng phải chấp nhận lấy điều may rủi như số mệnh của Trời đã đặt để cho mỗi con người, và sự ra đi của anh ấy chưa biết như thế nào, nhưng ít ra cũng đốt lên được một ngọn đèn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.

Bốn năm tôi xa anh trong thời gian tù tội, nhưng vẫn có hy vọng anh ấy trở về, còn lần vượt biển ấy tôi cứ linh cảm như là lần cuối cùng chúng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Hình như giác quan thứ sáu của tôi khá nhạy bén, bởi vậy khi anh ấy sắp đi, nhiều lần tôi cứ muốn cản anh ấy đừng đi nữa, nhưng bạn có tin rằng, cái gì đến nó sẽ đến, không ai cưỡng chống được cái giờ của định mệnh. Sau đó, tôi và người chị dâu thường tới ngôi chùa này, đó là một ngôi nhà thì đúng hơn, của một người chị họ không lập gia đình, có căn tu, đã sống nhiều năm ở đây với một nhóm cùng chí hướng, rồi dần dần căn nhà biến thành một ngôi chùa nhỏ, chuyên làm việc phước thiện, bốc mạch và hốt thuốc cho dân nghèo.

Thời gian đầu sau ngày anh ấy chết, tôi tìm tới đây để cầu nguyện cho hương linh anh tôi và anh ấy được siêu thoát, vì trong lòng tôi lúc ấy, lúc nào cũng chỉ nhìn thấy linh hồn họ ướt át, lạnh lẽo dưới đáy biển sâu. Tôi chỉ nhìn linh hồn anh ấy qua lăng kính một người trần tục, vì thế tôi thương xót và đớn đau khi mỗi lần nghĩ về anh ấy , là tôi trông thấy hiển hiện một khuôn mặt, một đôi mắt, những giây phút hoảng hốt và chống chỏi tuyệt vọng với cái chết. Thành ra khi tôi tưởng rằng mình cầu cho anh ấy được siêu thoát, thì chính tư tưởng tôi lại nhận chìm linh hồn anh ấy xuống đáy biển sâu, vì tôi nghĩ như thế nào nó sẽ ra như vậy. Phải mất nhiều tháng ngày tâm hồn tôi vẫn cứ đi vào con ngõ âm u của tuyệt vọng. Tôi nghe tiếng chuông chùa mà lòng lại nặng nề những âm thanh gào thét của sóng biển, những tiếng kinh chỉ có nghĩa là những lời than van của bao linh hồn bất hạnh đang đòi lại mạng sống của họ, vì bị chết một cách tức tưởi giữa lúc còn đang mang trong lòng bao niềm hy vọng. . .

Làm sao nói hết bạn nhỉ nỗi đau xót ấy, nếu không có ngày tôi nhìn ra được chân lý về thân phận của những hạt cát trên bãi biển. Có ngàn ngàn hạt cát nằm trên bờ biển, có hạt theo cơn sóng đẩy vào bờ để làm bạn với những hạt cát khác, rồi hôm nào hạt cát ấy lại được đẩy ra biển khơi , hay theo gió cuốn tới một nơi nào đó. Tôi nghĩ lại thời gian tôi và anh ấy sống bên nhau, thì có khác gì sự lăn lóc của hai hạt cát trong muôn vàn hạt cát, do cơ duyên hay định mệnh mà đưa đẩy đến với nhau. Bây giờ anh ấy ra đi, thì chỉ là một sự thay đổi chỗ ở của một hạt cát. Có khi chính tôi bi thảm quá nhiều cho cuộc đời của anh ấy, mà không hiểu hết ý nghĩa của sự giải thoát.

Từ đấy, mỗi khi buồn tôi hay nghĩ tới hạt cát. Hạt cát óng ánh ngoài biển khơi, hạt cát nằm trong khuôn viên trường đại học với những tiếng chim hót, hạt cát đi theo gót chân người thiếu nữ rong chơi trên hè phố chiều thứ bảy, hay hạt cát trên sa mạc nắng cháy, thì có phải là mỗi hạt cát đã có chỗ để tới? Sao tôi không chịu nhìn hạt cát với cái nhìn lạc quan như thế, để thấy dù ở nơi nào, bên này hay bên kia, thế giới loài người hay cõi của tiên phật, thì có phải chăng mỗi con người vẫn chỉ là hạt cát, nó cứ đến cứ đi, cứ hòa nhập vào cuộc đời chung quanh nó. Dần dần thì tôi nhìn thấy linh hồn anh ấy bay vút lên, theo cái nhìn đổi khác trong tâm hồn tôi, như người ta thường nói khi mình nhìn ai với cái nhìn đẹp, thì mình sẽ thấy được cái đẹp của họ, mà hễ với cái nhìn nghi ngại, thì chính là mình đã áp đặt cho người ta điều xấu.

Đúng không bạn nhỉ? Cái này lại dẫn đưa tôi đến một phiến diện khác của tư tưởng, và tôi cho là con người vốn sướng hay khổ là do chính tư tưởng của mình dẫn lối đưa đường. Bây giờ mỗi khi nghĩ về anh ấy, tôi chỉ nhìn thấy linh hồn anh ấy thênh thang trên một con đường mà tôi chưa làm sao đạt tới, vậy tại sao tôi không làm điều gì để dù hai đứa hai ngả, tôi vẫn có thể đồng hành với anh ấy một nẻo đường hở bạn? Điều suy nghĩ này khiến lòng tôi lâng lâng nhẹ nhõm, đôi khi tôi thấy mình là một giòng sông, lượn lờ quanh những ruộng đồng thơm phức mùi lúa chín. Đôi khi tôi thấy tâm hồn mình là một vùng thảo nguyên bát ngát, đi mãi vẫn chưa tới chân trời. Lắm khi tôi thấy mình bay lên đỉnh núi, hòa nhập vào với cái tĩnh lặng của thiên nhiên. Hay là tiếng sóng biển rì rào vỗ vào ghềnh đá, như là không lại nhập vào không để đi về một chốn không có gì hết. Kỳ lạ lắm, tôi không tả nổi được điều này vì tôi vẫn còn mang thân xác của một con người phàm tục, vẫn phải ăn khi đói, uống khi khát, và vẫn ốm đau bệnh tật. . .

Đó là một trong những trạng thái biến chuyển của tâm hồn tôi cần kể bạn nghe, còn thì giờ đây tôi có nhiều việc để làm lắm. Trước tiên, bạn sẽ ngạc nhiên nếu hôm nào tới đây, bạn sẽ nhìn thấy tôi chăm chú ngồi bắt mạch cho một người bịnh để bốc thuốc cho họ. Khi tôi cầm tay họ, và nhìn thấy sự tin tưởng của họ đến với tôi, tôi cảm thấy ngay được sự chia xẻ niềm vui và nỗi khổ cho nhau, vì thế mà tôi thấy khi mình cứu người lại chính là mình đang cứu mình, từ nỗi khổ của người mình nhìn ra nỗi khổ của mình, và có lẽ vì vậy mà tôi tìm được tôi trong những giao tiếp đó với tha nhân.

Bây giờ lắm khi tôi ngồi yên nghe tiếng gió thổi lướt qua rặng chuối sau hè, tôi lại mỉm cười cảm ơn anh ấy. Có mâu thuẫn lắm không hở bạn? Nhưng chính sự ra đi vĩnh viễn của anh ấy đã khoác cho tâm hồn tôi một chiếc áo mới, tốt đẹp hơn, lành lặn hơn, dù bạn nhìn tôi bây giờ, chắc chỉ thấy chiếc áo màu lam ảm đạm, phải không bạn?"

* * *

Mùng một Tết năm đó , tôi ở lại chùa với cô bạn cũ trọn vẹn một ngày đầu năm. Bữa cơm trưa thanh đạm của chùa chỉ có rau đậu, măng khô và nấm tươi, nhưng tôi có cảm tưởng chưa bao giờ ăn bữa cơm nào ngon hơn thế.

Buổi trưa, Trinh theo các bạn đồng tu vào tụng kinh cầu an và cầu siêu giờ cúng Ngọ, tôi cứ ngồi đằng sau mà nghĩ hoài tới những hạt cát bạn tôi vừa kể cho nghe. Tôi nhìn dáng ngồi ẩn nhẫn của bạn tôi trong màu áo lam, rồi bất chợt nhìn ra khoảng sân đầy bóng mát, tôi thấy những cánh mai đã rụng đầy trên mặt đất như một tấm thảm màu vàng tuyệt đẹp. Hoa mai nở trên cành, hay những cánh hoa tả tơi trên nền đất, ở mỗi chỗ vẫn mang cái đẹp riêng của nó, hay là lúc ấy tâm hồn tôi đã có chút đổi khác, khi nghe xong câu chuyện của bạn tôi vào một sáng đầu Xuân.

Nguyên Nhung, 2002.

 

Asia-Religion.net